Trong quý I/2025, Việt Nam đã nhập khẩu 1,38 triệu tấn thép phế liệu, trị giá 444,76 triệu USD, tăng 8,2% về lượng nhưng giảm 10,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu trung bình đạt 320,9 USD/tấn, giảm khoảng 17% so với quý I/2024.
Xét về thị trường nhập khẩu, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp thép phế liệu cho Việt Nam, với 784.977 tấn, trị giá 263,88 triệu USD, chiếm 56,7% thị phần, tăng 13,67% về lượng nhưng giảm 6,33% về trị giá so với cùng kỳ. Giá bình quân đạt 336,1 USD/tấn, giảm 17,6% so với quý I/2024.
Mỹ là thị trường cung cấp lớn thứ hai, với 140.251 tấn, trị giá 42,93 triệu USD, chiếm 10,1% thị phần, tăng mạnh 49,57% về lượng và 19,86% về kim ngạch. Giá bình quân đạt 306,1 USD/tấn, giảm 19,8%. Ngoài ra còn một số thị trường khác như Hồng Kông (Trung Quốc), Australia…
Việc nhập khẩu thép phế liệu giúp Việt Nam tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tiêu thụ năng lượng và hạn chế tác động đến môi trường. Theo quy định, chỉ những loại phế liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng, không chứa tạp chất nguy hại, phóng xạ hoặc các thành phần gây ô nhiễm mới được phép nhập khẩu và đưa vào sản xuất. Trước khi thông quan, lô hàng phải trải qua quy trình kiểm tra, giám định nghiêm ngặt về chất lượng và mức độ an toàn đối với môi trường.
Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu của ngành thép, phần còn lại phải nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về sản xuất thép, với sản lượng ước đạt khoảng 30 triệu tấn trong năm 2024. Dự báo năm 2025, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép sẽ đạt lần lượt 32,9 triệu tấn và 32,5 triệu tấn, tăng 12% và 11% so với năm 2024. Giá bán sản phẩm thép nội địa dự kiến tăng từ 5% – 8% trong năm 2025.
Công ty Cổ phần Kim Khí Miền Trung là nhà phân phối sắt thép hàng đầu tại miền Trung và cả nước, chuyên cung cấp sản phẩm chất lượng cho các công trình xây dựng và công nghiệp. Nếu cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
—————————




