Thép Việt ‘chao đảo’ trước làn sóng điều tra chống bán phá giá

thép cuộn cán nóng

Chỉ trong vòng 4 tháng, đã có 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp  liên quan đến phòng vệ thương mại mặt hàng thép Việt Nam. Điều này tạo ra nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh các doanh nghiệp đang lên kế hoạch tăng sản lượng.

Làn sóng phòng vệ thương mại của thế giới đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam trỗi dậy trong nửa cuối năm nay. Theo đó, chỉ trong vòng 4 tháng, đã có tới 7 vụ việc các nước sử dụng các biện pháp liên quan đến phòng vệ thương mại mặt hàng thép. Trong đó bao gồm 6 vụ khởi xướng điều tra, và 1 vụ kết luận.

STT Thời gian Vụ việc điều tra/kết luận PVTM thép nhập khẩu từ

Việt Nam nửa cuối năm 2024

1 08/08/2024 EU điều tra CBPG thép HRC
2 14/08/2024 Ấn Độ điều tra CBPG thép HRC
3 04/09/2024 Canada kết luận cuối cùng điều tra CBPG dây thép
4 24/09/2024 Australia điều tra thanh cốt thép cán nóng
5 25/09/2024 Mỹ điều tra CBPG, chống trợ cấp thép CORE
6 03/10/2024 Thái Lan điều tra CBPG thép không gỉ cán nguội
7 14/10/2024 Malasia điều tra CPPG thép dây

                                                                                                                                                               Nguồn: Cục Phòng vệ Thương mại

Mặt hàng thép mà các nước khởi xướng điều tra/ áp thuế bao gồm thép cuộn cán nóng, dây thép, thép chống ăn mòn (CORE), thanh cốt thép cán nóng…. Trong đó, riêng mặt hàng thép HRC, có hai thị trường lớn là Ấn Độ và EU đồng loạt khởi xướng điều tra chống bán phá giá trong tháng 8.

Bình luận về việc thép Việt Nam thời gian gần đây liên tục trở đối tượng điều tra của các nước, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thép luôn là mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất thế giới. Đến một thời điểm nào đó, mặt hàng thép lại trở thành mục tiêu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước.

Làn sóng phòng vệ thương mại diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang lên kế hoạch tăng công suất, khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Mức độ rủi ro của ngành thép khi tăng công suất sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực từ các vụ điều tra chống bán giá mà các nước đang tiến hành. Có thể sản lượng của các nhà máy vẫn tốt nhưng họ sẽ phải cắt giảm giá bán nhiều hơn nếu thị trường không như kỳ vọng.